- Dec 19, 2019
Những lưu ý khi đi bơi
1. Những tác động tốt của bơi lội
Khi bơi thể trọng của con người giảm đi so với trên cạn khoảng 10%. Do đó, khả năng bị tổn thương ở eo lưng, các khớp chân giảm đi nhiều. Bơi có tác dụng phòng chống xương bị cứng, teo cơ, giảm độ co giãn của các dây chằng... Cũng do kích thích trong nước lạnh, trong vận động bơi, mạch máu co giãn có tính phản xạ, giảm bớt sự trầm tích cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch. Ở người cao niên thường xuyên tập bơi, công năng của hệ thống tim mạch không chỉ tốt hơn nhiều người cùng tuổi không tập bơi, mà tính đàn hồi của động mạch thậm chí còn tốt hơn cả người trung niên ít rèn luyện thể chất. Do bơi lội phối hợp các động tác tay chân với thở làm tăng hưng phấn các trung khu tương ứng trên vỏ não, đồng thời ức chế hoạt động của các bộ phận vô quan khác giúp chúng nghỉ ngơi, thư giãn tích cực. Toàn thân nói chung, các cơ nói riêng được xoa bóp nhờ các xung lực của nước.
Các tác dụng tốt đẹp trên của bơi lội chỉ có thể được phát huy cao nhất khi người tập biết vận động phù hợp với sức khỏe của bản thân và hoàn cảnh (thời tiết, nơi bơi lội).
2. Không nên tập bơi khi mới ăn xong hoặc đang đói
Vừa ăn xong, các cơ quan tiêu hóa phải làm việc: nhu động ruột tăng, các tuyến nội tiết phục vụ cho tiêu hóa đẩy mạnh, nhiều máu được chuyển về dạ dày, ruột. Nếu ăn xong mà tập bơi ngay, máu sẽ dồn về các cơ quan vận động, gây tình trạng thiếu máu ở cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra, sau bữa ăn, dạ dày thường chứa đầy thức ăn, đẩy lên màng chắn ngăn với phổi nên hô hấp, vận động khó khăn. Mặt khác, bơi lúc này có sự co bóp của cơ bụng cộng với áp lực của nước vào thành ngoài bụng, ngực dễ gây đau, tức bụng, khó thở... thậm chí nôn mửa. Có trường hợp bị sức ép quá mạnh, gây trào ngược thức ăn vào khí quản, gây nguy hiểm.
Ngoài ra, nước lạnh kích thích có thể làm cho các mạch máu ở bụng và cơ trơn ở thành ruột co lại, làm trầm trọng thêm hiện tượng chuột rút.
Khi đói cũng không nên tập bơi, vì sự vận động của cơ, nhiệt độ nước thấp cùng sự hấp thu, truyền nhiệt của nước cao dễ làm người bơi mất nhiều nhiệt lượng, cơ thể không đủ nguồn đường để cung cấp cho hoạt động, dễ xảy ra tình trạng hạ đường huyết. Lúc đó người bơi có thể hoa mắt, váng đầu, thậm chí sốc. Tình trạng này mà xảy ra khi bơi chỗ nước sâu, xa bờ thì có thể gây nguy hiểm.
Chỉ nên bơi sau ăn 1-1,5 giờ. Không bơi khi đói. Nếu chưa kịp ăn trước đó, có thể uống tạm một cốc nước đường ấm, ăn vài miếng bánh ngọt. Trong quá trình bơi, nếu thấy đói, khát có thể lên bờ ăn, uống bổ sung nhẹ.
3. Khởi động trước khi bơi
Không chỉ với hoạt động bơi lội mới cần khởi động. Khởi động là bắt buộc với tất cả các hoạt động thể dục, rèn luyện thể chất nhằm tránh chấn thương và các sự cố sức khỏe khi tập luyện. Thời gian khởi động tùy thuộc vào từng người, nơi chốn, thời tiết, nội dung tập luyện. Mùa đông cần khởi động kỹ, lâu hơn mùa hè. Khởi động đến mức thấy người nóng lên, mạch tăng hơn lúc yên tĩnh, các khớp tay chân linh hoạt, thân thể nhẹ nhàng, phấn chấn hơn là được.
Cách chữa chuột rút trong khi bơi
Tập bơi lâu, mệt, lạnh dễ bị chuột rút ở đùi, ngón tay, ngón chân, bụng, nhất là bắp chân. Đó là hiện tượng căng cứng cơ, không thể chủ động co giãn. Nguyên nhân thường là:
Thứ nhất là do khởi động không kỹ. Thứ hai là do quá trình tập bơi tiêu hao nhiều đường máu và sản sinh nhiều axit lactic. Sự tích lũy axit lactic không kịp giải trừ trong cơ làm cơ co cứng.
Khi bị chuột rút, không nên hoang mang, nhất là lúc đang ở chỗ xa bờ, nước sâu. Nếu bị lúc đang bơi, trước tiên tự cố giãn duỗi (không co lại) những cơ bị chuột rút đó rồi dùng hai tay và chân còn bình thường bơi vào bờ ngay hoặc hít một hơi thật sâu rồi nằm ngửa trên mặt nước khoảng 1 phút sau sẽ đỡ. Không nên cuống để bị sặc nước. Nếu đã lên bờ mà bị chuột rút thì tự xoa bóp cẳng chân hoặc cơ nơi bị chuột rút hoặc nhờ người khác kéo đẩy thẳng đầu gối làm cho bàn chân cong vểnh lên, hay kéo giãn ngón chân ra rồi xoa bóp tiếp. Nếu vẫn chưa hết thì dùng ngón tay bấm huyệt thừa sơn ở bắp sau cẳng chân hoặc huyệt dũng tuyền ở gan bàn chân. Sau đó lại xoa bóp, vuốt nhanh nhiều lần cẳng chân từ dưới lên, kèm theo vỗ, gõ nhẹ dần.
Cho dù bơi vào mùa hè cũng không nên dầm nước quá lâu, nhất là khi đã thấy lạnh rùng mình, da sởn gai ốc, môi tái, da lòng bàn tay, bàn chân nhăn lại, nhợt đi. Khi lên bờ chú ý lau khô ngay và mặc quần áo thích hợp để phòng bị cảm và những tác hại về tim mạch và cơ khác. Những người yếu, bơi kém, nhất là trẻ nhỏ không nên tập bơi một mình, chỗ xa, nước sâu.